Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho thế hệ trẻ tình cảm vô cùng yêu thương, trìu mến. Từ rất sớm, Người đã nhận thức được vị trí, vai trò to lớn và luôn đặt niềm tin vào thế hệ trẻ trong sự nghiệp cách mạng, nhiệm vụ hàng đầu là giáo dục thanh niên. Ngay từ những ngày đầu gian khó nhất của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tin tưởng vào lớp trẻ, lựa chọn, tập hợp, bồi dưỡng những thanh niên ưu tú chuẩn bị lực lượng cho việc thành lập tổ chức cách mạng đầu tiên với tên gọi “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội” - tổ chức tiền thân của Đảng ta ngày nay. Bác Hồ kính yêu trực tiếp mở nhiều lớp huấn luyện, đào tạo những thanh niên Việt Nam yêu nước trở thành những cán bộ xuất sắc của Đảng ta.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho đất nước, Bác Hồ nhấn mạnh: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Nói về nhiệm vụ xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, Người dạy: “Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong, chờ đợi ở các cháu rất nhiều” và tương lai đất nước sẽ phát triển ra sao, “Việt Nam có được vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần rất lớn ở công học tập của các cháu”. Người vừa khẳng định vai trò lịch sử của thanh niên, vừa đặt niềm tin mạnh mẽ vào khả năng cách mạng của thanh niên, lập nên những kỳ tích anh hùng, góp phần xứng đáng vào cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong việc học tập vươn tới những bậc thang trí tuệ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định thanh niên là “bộ phận quan trọng của dân tộc”, “người chủ tương lai của nước nhà”. Họ là người chủ hiện tại của đất nước không chỉ vì họ chiếm khoảng một phần ba dân số, mà chủ yếu vì thanh niên là bộ phận trẻ, khỏe, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, giàu ý chí, nghị lực và ước mơ; vì “Thanh niên là những đội quân xung kích trên các mặt trận”. Đến thăm đơn vị thanh niên xung phong làm đường trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác đã khuyên thanh niên:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”.
Bên cạnh đó, Người luôn chỉ ra những nhược điểm, hạn chế của một bộ phận thanh niên, đó là thiếu từng trải, thiếu kinh nghiệm trong cuộc sống, chưa chịu khó học tập, mắc bệnh hình thức, cá nhân, tự cao, tự đại,… Bác yêu cầu thanh niên phải chống tâm lý tự tư, tự lợi, tâm lý ham sung sướng tránh khó nhọc, thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay; lười biếng, xa xỉ, kiêu căng, giả dối, khoe khoang... Bác nhiều lần căn dặn cán bộ làm công tác thanh niên phải nhìn nhận thanh niên theo quan điểm phát triển. Người nói: “Từ ngày Cách mạng Tháng Tám đến nay, thanh niên ta có cơ hội phát triển một cách mau chóng và rộng rãi”. Đó là sự phát triển về học vấn, trí tuệ, nghề nghiệp và thể chất.
Sinh thời, có lần Bác dạy: “không nên gọi các cháu là thanh niên hư mà nên gọi là thanh niên chậm tiến” (theo hồi ký của đồng chí Vũ Quang trong một lần được làm việc với Bác về công tác thanh niên trong phong trào “Ba sẵn sàng”). Người dạy rằng: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, của nhiều thế hệ nối tiếp nhau được tổ chức và chuẩn bị. Bác nêu rõ “Con người ta sinh ra ai cũng lớn lên, già đi rồi chết”, “tre già măng mọc”. Quy luật tự nhiên này không có sức mạnh ý chí và vật chất nào cưỡng lại được. Do vậy, “bàn giao” thế hệ là tất yếu, không chỉ là trao lại những gì đã có mà quan trọng hơn, khó khăn hơn nhiều là chuẩn bị cho lớp người đi sau những gì cần thiết cho họ vững chắc nhất và tốt đẹp nhất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Thanh niên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là khiêm tốn, đoàn kết thực hành chủ nghĩa tập thể… ra sức cần kiệm xây dựng nước nhà”. Người khuyên thanh niên: “Các sự khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sự sung sướng thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước. Các việc đáng làm thì khó mấy cũng cố chịu quyết làm cho kỳ được. Ham làm những việc ích quốc lợi dân, không ham địa vị và công danh phú quý. Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, với việc. Quyết tâm làm gương về mặt: siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chớ kiêu ngạo tự mãn”.
Bác nhìn nhận thanh niên là lớp người “Xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; thanh niên là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ đang hăng hái giữ gìn trật tự, trị an, bảo vệ Tổ quốc” và trong mọi việc thanh niên thi đua thực hiện khẩu hiệu “Đâu Đảng cần thì thanh niên có, việc gì khó thì thanh niên làm”. Để thực hiện khẩu hiệu này, Người đã chỉ rõ cho mỗi thanh niên phương hướng hành động để từ đó có một hướng đi đúng đắn, sát với thực tiễn. Thanh niên đã làm được rất nhiều điều quan trọng cho Tổ quốc, Song theo Bác “chớ vì thế mà tự cao tự đại, phải khiêm tốn, luôn luôn cố gắng hơn mới vượt qua mọi khó khăn để giành lấy thành tích nhiều hơn và lớn hơn”. Khi làm bất cứ việc gì thanh niên cũng đừng nghĩ đến mình trước mà phải nghĩ đến đồng bào, đến toàn dân đã. Người đã từng căn dặn, huy hiệu của thanh niên ta là tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên, ý nghĩa của nó là thanh nhiên phải xung phong gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong rèn luyện đạo đức cách mạng. Thanh niên phải thành một lực lượng to lớn và vững chắc trong cuộc kháng chiến và kiến quốc.
Người nhấn mạnh: “Thanh niên phải xung phong đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả, thanh niên phải xung phong đến làm cho tốt, phải xung phong đến những nơi khó khăn để xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Bác đánh giá đúng đắn khả năng cách mạng và vai trò của thanh niên, Người tin tưởng: “… Bác rất tự hào, sung sướng và thấy hình như mình trẻ lại, thấy tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc và vẻ vang…”. Đó là nhận định của Bác đối với sứ mệnh lịch sử vẻ vang mà các thế hệ thanh niên nước ta đã và đang đảm nhiệm.
Tin vào lớp trẻ, tin vào các thế hệ thanh niên Việt Nam là điều đã được khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong thời đại Hồ Chí Minh, với sự ra đời của Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) do Đảng và Bác Hồ sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, lớp lớp thanh niên đã phát huy mạnh mẽ truyền thống của cha ông, nỗ lực phấn đấu, vượt mọi khó khăn, thử thách, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và ngày nay đang chung tay tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ: “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Tòng quân giết giặc lập công”, “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong” trong các cuộc kháng chiến trường kỳ và những tấm gương dũng cảm quên mình trong chiến đấu, sáng tạo trong lao động sản xuất, công tác, học tập luôn tỏa sáng, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Đoàn.
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay có biết bao nhiêu cơ hội và cũng đan xen không ít những khó khăn, thách thức, các thế lực thù địch gia tăng các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta và lôi kéo một bộ phận thanh niên xa rời chủ nghĩa yêu nước, xem nhẹ truyền thống cách mạng, ít quan tâm sinh hoạt chính trị, sa vào lối sống thực dụng, ích kỷ cá nhân. Một bộ phận thanh niên có xu hướng coi thường giá trị nhân văn, kỷ cương, đạo lý, mắc tệ nạn xã hội. Không ít thanh niên mang tâm lý hưởng thụ, ỷ lại sự bao cấp của gia đình và xã hội; dao động, thụ động, không chịu học tập, rèn luyện nâng cao trình độ nhận thức về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ. Do đó, Đoàn cần quan tâm làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với đoàn viên, thanh niên. Đây vừa là yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách và là thước đo hiệu quả hoạt động của Đoàn và phong trào thanh niên.
Ghi sâu những lời di huấn thiêng liêng của Bác Hồ và phát huy truyền thống vẻ vang 91 năm xây dựng và trưởng thành, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam cần nêu cao ý chí quyết tâm phấn đấu để sớm trở thành lực lượng nòng cốt đáng tin cậy của Đảng, hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao phó. Dù khó khăn thanh niên vẫn luôn tâm niệm, “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta. Mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ Quốc hôm nay” sẽ mãi là hình ảnh đẹp thể hiện tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ Việt Nam, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn