Ngay từ năm 1946, chỉ chưa đầy một năm sau ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ đã căn dặn mọi người rằng: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt. Mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”(1). Vậy nên, luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được… Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục.
Thăm Bệnh xá Vân Đình (1963), Người căn dặn cán bộ bệnh xá thực hiện “Lương y như từ mẫu”. Ảnh Internet.
Người còn nêu rõ vấn đề sức khỏe có mối quan hệ trực tiếp với cuộc kháng chiến và kiến quốc. Người nói: “Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được bảo đảm thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng gần thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công”(2). Chính lẽ đó mà đối với tầng lớp nào, lứa tuổi nào, Người cũng luôn dặn dò mọi người phải giữ gìn và nâng cao sức khỏe. Đối với các cháu thiếu nhi, Người khuyên “Phải siêng tập thể thao cho mình mẩy được nở nang”, không những phải “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ Học tập tốt, lao động tốt/ Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt” mà còn phải “Giữ gìn vệ sinh thật tốt”...
Người nhận định: “Công tác y tế đã có nhiều thành tích, đã ngăn chặn được nhiều dịch bệnh và bệnh xã hội cũ, sức khỏe của nhân dân được nâng cao. Trẻ em ngày càng được săn sóc chu đáo hơn”. Người đã có thư khen ngợi sự tận tâm của các y sĩ, khán hộ cứu thương, trong đó có đoạn: “Tôi được báo cáo rằng: Các thầy thuốc và khán hộ đều hết lòng săn sóc thương binh một cách chu đáo. Thế là các bạn cũng trực tiếp tham gia kháng chiến cứu quốc”. Người cũng luôn mong muốn “Lương y phải như từ mẫu”, người thầy thuốc săn sóc người bệnh như người mẹ săn sóc con cái của mình.
67 năm trước, ngày 27/02/1955, Bác Hồ kính yêu gửi thư cho Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc. Trong thư, Bác căn dặn “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu; xây dựng một nền y học của nước ta dựa trên nguyên tắc khoa học, dân tộc và đại chúng; chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “Đông” và thuốc “Tây”’. Từ đó, ngày 27/02 trở thành Ngày Thầy thuốc Việt Nam, là dịp để cán bộ, nhân viên y tế ghi nhớ và thực hiện lời Bác dạy, để nhân dân ta thể hiện sự tôn trọng, tôn vinh và cảm ơn các thầy thuốc.
Ngần thời gian ấy, lời dạy của Bác đã trở thành nguyên tắc cơ bản chỉ đạo mọi hoạt động của ngành y tế, là mục tiêu để mỗi cán bộ, nhân viên y tế rèn luyện phấn đấu. Trong những năm tháng gian khổ, ác liệt của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, cán bộ, nhân viên y tế có mặt trên khắp các chiến trường để chăm sóc, cứu chữa thương binh, bệnh binh, đồng bào, đồng chí; hàng nghìn cán bộ y tế đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Đất nước hòa bình, thống nhất, đội ngũ cán bộ y tế có mặt trên mọi nẻo đường của Tổ quốc, từ Trung ương đến cơ sở, từ thành phố tới vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, âm thầm, tận tụy cống hiến vì sức khỏe của mọi người, hạnh phúc của mọi gia đình, góp phần to lớn vào sự phát triển của đất nước. Thực hiện những lời dạy của Bác Hồ gắn với trách nhiệm lớn lao của người Thầy thuốc đối với sức khoẻ của nhân dân, đội ngũ thầy thuốc Việt Nam không ngừng tu dưỡng đạo đức làm người, làm thầy thuốc.
Rất nhiều thầy thuốc đã nêu gương sáng cho chúng ta học tập như các bác sỹ: Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Vũ Đình Tụng, Đặng Văn Chung, liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm... và biết bao thầy thuốc, lương y khác cùng hàng nghìn tập thể, cá nhân y bác sĩ, cán bộ ngành y tế được phong tặng danh hiệu anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thiêng liêng của mình.
Ðến nay, mạng lưới y tế cơ sở đã được xây dựng rộng khắp, từ Trung ương đến các tỉnh, thành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn; từ đồng bằng trung du, các vùng xa xôi hẻo lánh đến biên giới hải đảo với 100% số xã và thôn, bản có cán bộ y tế hoạt động, 100% số xã thực hiện khám chữa bệnh ban đầu cho người có thẻ bảo hiểm y tế. Do vậy, nước ta đã thực hiện được nhiều mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới đề ra. Ði liền với mở rộng cơ sở vật chất là chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh không ngừng được nâng cao. Các bệnh viện đều được trang bị các loại máy móc dùng trong chẩn đoán và điều trị hiện đại, các công nghệ mũi nhọn của y học thế giới đang từng bước được ứng dụng ở nước ta như ghép tạng, mổ nội soi, mổ tim, mổ tách trẻ song sinh, thụ tinh nhân tạo... Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng lên hơn 73 tuổi; chúng ta đã tiến rất gần đến thực hiện thành công các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về lĩnh vực y tế.
Đặc biệt, thời gian qua sự bùng phát của đại dịch COVID-19 với biến chủng mới, lây lan rất nhanh và nguy hiểm hơn đã tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống nhân dân, tàn phá trên dải đất hình chữ S thân thương đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, gây tổn hại đến sức khỏe và sinh mạng của đồng bào ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương, các đoàn thể, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là chứng kiến những nghĩa cử cao cả, đẹp đẽ, những đức hy sinh, những trái tim nhiệt huyết, những tấm lòng nhân ái tỏa sáng… của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế, thầy thuốc trên cả nước, họ không chỉ có trái tim nhân ái, nhân hậu mà còn trí tuệ thông minh, nghị lực kiên cường, sự chịu đựng bền bỉ, nhất khi cuộc chiến diễn ra rất gay go. “Sinh ra trong cõi hồng trần/Đời người phải lấy chữ Nhân làm đầu”. Họ đã quên hiểm nguy để chữa bệnh cho đồng bào, đồng chí nhiễm bệnh, khi giai đoạn đầu chống dịch bệnh, vaccine còn ít. Họ đã gác lại hạnh phúc riêng tư, gác lại cuộc sống yên bình để đi vào tâm dịch để chữa bệnh, cứu người. Đội ngũ y, bác sĩ của ngành y tế đã chủ động tham gia tích cực, trách nhiệm, sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch, trong đó đã thực hiện có hiệu quả công tác truy vết, xét nghiệm, tổ chức công tác tiếp nhận và phân tầng điều trị, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, tăng cường năng lực cấp cứu và điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19. Đã dần hình thành, hoàn chỉnh hệ thống nguyên lý và các biện pháp phòng, chống dịch khoa học, phù hợp, sát thực tế, hiệu quả, xác định đúng đắn 3 trụ cột (cách ly - xét nghiệm - điều trị), công thức “5K + vaccine, thuốc đặc trị + các biện pháp điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân + các biện pháp khác”, đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý giá; điều trị thành công cho nhiều trường hợp mắc bệnh nặng. Cán bộ, nhân viên y tế không quản ngại khó khăn, vất vả, hiểm nguy, luôn đi đầu trong phòng, chống dịch COVID-19. Triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất từ trước đến nay, đến hết ngày 06/02/2022 (mùng 6 Tết), cả nước đã tiêm được khoảng 182,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19; tỉ lệ tiêm mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt 95,5%, mũi 3 (liều nhắc lại) cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 25%... góp phần cùng Đảng, Nhà nước thực hiện mục tiêu kép, vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế-xã hội, dần đưa nước ta trở lại trạng thái bình thường mới.
Tuy nhiên, việc ứng phó với đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bộc lộ những hạn chế của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Việc tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 chưa đáp ứng yêu cầu do nguồn vaccine còn hạn chế, tỉ lệ tiêm vaccine còn chưa đồng đều tại các địa phương trên toàn quốc. Việc xét nghiệm sàng lọc tại một số tỉnh, thành chưa triển khai kịp thời, hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Vẫn còn có tình trạng lây nhiễm chéo tại một số cơ sở cách ly tập trung, nhiều trường hợp cách ly y tế tại nhà không đáp ứng được yêu cầu theo hướng dẫn, gây nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Một số cơ sở y tế chưa thực hiện đúng quy định về giá xét nghiệm COVID-19, thu phí xét nghiệm cao, vẫn yêu cầu bắt buộc xét nghiệm khi đi khám chữa bệnh, gây bức xúc cho người dân. Một số thầy thuốc quên đi trách nhiệm của mình, có những hành động sai trái, dựa vào nghề nghiệp mà vụ lợi cá nhân trái phép, gây thoát thoát lớn tiền bạc, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Đặc biệt, những vụ việc tham nhũng, tiêu cực lợi dụng dịch bệnh để trục lợi đã xói mòn lòng tin đối với ngành, không chỉ xuất hiện vụ án tham nhũng vật tư y tế gây bức xúc dư luận như tại CDC Hà Nội vào năm 2020, gần đây Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án về các tội đưa hối lộ, nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến vụ nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 của một số cá nhân ở Công ty Việt Á, CDC Hải Dương, CDC Nghệ An, CDC Bình Dương… đã thông đồng, câu kết với Phan Quốc Việt và các đối tượng liên quan thuộc Công ty Việt Á, Công ty TNHH Phát triển công nghệ ứng dụng Việt Nam (Công ty VNDAT) trong vụ thổi giá kit xét nghiệm COVID-19; khởi tố 2 bị can liên quan là vụ trưởng 2 vụ thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ. Song, đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, còn tuyệt đại đa số người thầy thuốc luôn giữ gìn đạo đức, y đức.
Nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân của ngành y tế giai đoạn tới hết sức nặng nề và đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng yêu cầu. Quán triệt thực hiện Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, ngành Y tế cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Tiếp tục đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là phòng, chống dịch COVID-19 có hiệu quả; tiếp tục quan tâm củng cố mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao năng lực các trạm y tế xã, bệnh viện tuyến huyện, nâng cấp bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến Trung ương, trên cơ sở Nhà nước tăng cường đầu tư, bên cạnh đó đẩy mạnh việc xã hội hóa, phát triển nhanh hệ thống y tế công lập và ngoài công lập; khắc phục tình trạng quá tải ở các bệnh viện. Đồng thời, nâng cao y đức, đấu tranh đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động khám, chữa bệnh, mua sắm trang thiết bi y tế; đổi mới cơ chế tài chính các cơ sở y tế công; hoàn thiện chính sách bảo hiểm y tế; chính sách khám chữa bệnh cho trẻ em, người cao tuổi, người nghèo, các đối tượng chính sách; xây dựng nền y học Việt Nam tiên tiến, hiện đại và dân tộc, kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại, sánh ngang trình độ các nước có nền y học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhân viên y tế cần phải thường xuyên học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nắm bắt những kiến thức mới, hiện đại của y học thế giới và tinh hoa của y học cổ truyền, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh; không ngừng rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, ý thức trách nhiệm, tận tụy phục vụ nhân dân, quan tâm chăm sóc, chia sẻ với người.
67 năm qua, lời dạy của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu” thấm sâu trong tâm trí những người thầy thuốc và trở thành phương châm hành động của các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân viên ngành y tế. Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay, mỗi cán bộ, y bác sĩ, nhân viên trong ngành y tế ra sức thi đua phấn đấu, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng nền y tế Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng; là y tế nhân dân, nhân đạo, nhân bản, nhân tâm, tất cả vì sức khỏe con người, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ths Nguyễn Thanh Hoàng
(1) Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong bài “Sức khỏe và thể dục”, Báo Cứu quốc, số 199, ngày 27-3-1946
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn