Xã Nghĩa Đồng trước đây thuộc xã Tri Lễ nằm trong tổng Cự Lâm của huyện Nghĩa Đàn. Xã Tri Lễ có trước đời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính hòa ( 1681-1705). Sau năm 1945 ba xã một số làng thuộc hai xã Nghĩa Bình, Nghĩa Hợp ngày nay và hai Vạn chuyên đánh cá ở Sông Con Là Lên Khê (Vạn Sen) và Thuận yên (Vạn sẻ) hợp thành xã Đại Đồng. Cái tên Đại đồng bắt đầu từ đó, tức là sau cách mạng tháng Tám 1945 và trở thành tiền thân của xã Nghĩa Đồng ngày nay. Xã Nghĩa Đồng có di tích lịch sử Đình Sen đã được tỉnh xếp hạng năm 2012
Đây cũng là nơi thường diễn ra các buổi sinh hoạt văn hóa làng xã đặc sắc trong những ngày hội: hát đối dân ca, hò, ví…; Trong những năm 1930 - 1931, đình Sen là nơi làm lễ tổ chức thành lập Phủ ủy Qùy Châu để hưởng ứng mạnh mẽ cao trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Năm 1945, đây còn là địa điểm của quần chúng nhân dân tập hợp đi biểu tình cướp chính quyền trên toàn huyện. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đình Sen cũng chính là nơi diễn ra lễ tiễn đưa hàng trăm con em lên đường đánh giặc cứu nước. Các đơn vị về đóng quân ở làng đều chọn Đình Sen làm nơi sinh hoạt tư tưởng, văn hoá văn nghệ.
Đình Sen
Đình Sẻ có khả năng xây dựng thời điểm từ năm 1922 đến 1927 (Ngang hàng với Đình Sen, vì đình Sen được tạo tác năm Bính Dần 1926 thời Hoàng Triều Bảo Đại nhà Nguyễn). Trải qua bao biến cố của thăng trầm lịch sử. Nhân dân làng Sẻ sống đoàn kết, chan hòa và cầu mong cho Trời, Phật, Thần linh che chở và nhân dân làng xóm trường tồn. Thể theo nguyện vọng của làng và để thể hiện tấm lòng thành kính với trời, phật, thần linh và người khai cơ, lập ấp đầu tiên của làng Sẻ (gọi là Thành hoàng làng).
- Đình làng Sẻ bây giờ được tọa lạc trên mảnh đất xóm 3 xã Nghĩa Đồng, hướng chính của đình là hướng Tây - Nam.
Đình Sẻ
Làng Sen xưa cũng giống như các làng xã lâu đời có đời sống tinh thần phong phú. Về tôn giáo có chùa Am thờ Phật và thần sông núi.
Đền Song Đồng Ngọc Nữ hiện tọa lạc bên dòng sông Con giữa hai xã Nghĩa Đồng và xã Nghĩa Hợp, đền được công nhận di tích lịch sử năm 2017. Đền là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân, trong đó có đồng bào dân tộc Thổ vùng đất phủ Quỳ Châu xưa. Để tưởng nhớ hai vị thần Song Đồng Ngọc Nữ nhân dân tổ chức lễ tế vào ngày 14 – 15/7 âm lịch hằng năm. Đến thời Hậu Lê, đền chính thức được xây dựng; thời Tự Đức được Lý trưởng lập bản khai đề nghị; đến năm 1851, Triều Nguyễn chính thức ban là đạo sắc “Nhị vị Thành hoàng Song Đồng Ngọc Nữ”.
Đền song đồng – Ngọc nữ ( Đền hai cô )
Xã Nghĩa Đồng gắn liền với vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa. Đặc biệt là con người nơi đây mộc mạc, chân thành, nồng hậu và hiếu khách. Đây là những yếu tố thuận lợi để địa phương phát triển du lịch tham quan di tích lịch sử và du lịch tín ngưỡng.