Nguồn gốc,ý nghĩa lịch sử Đình Sen xã Nghĩa Đồng huyện Tân Kỳ

Thứ hai - 27/03/2023 22:44
Đình Sen trước đây năm trong thôn Phương Liên, thuộc Làng Sen, xã Tri Lễ, tổng Cự Lâm, huyện Nghĩa Đàn nay là xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An.

Xã Nghĩa Đồng phía Đông giáp xã Nghĩa Bình, phía Tây giáp Nông trường Sông Con và xã Nghĩa Thái, phía Bắc giáp xã Nghĩa Khánh huyện Nghĩa Đàn, phía Nam giáp xã Nghĩa Hợp.   

 Từ Thành phố Vinh theo quốc lộ 1A, đến ngã ba Diễn Châu rẽ trái theo đường 7 đến ngã ba Đô Lương, rẽ phải theo đường 15 đến Thị trấn Lạt, đi tiếp khoảng 25km là đến di tích. Di tích cách Thành phố Vinh 110km.

Theo tộc phả họ Trần ở xã Nghĩa Đồng thì xã Tri Lễ có từ đời Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hoà (1860-1705). Xã Tri Lễ lúc đó có 3 thôn: Phương Liên thôn, Lê Thôn và Phương Vĩ Thôn. Vào thời Lê Sơ, ở Làng Sen đã có người dân tộc cư trú. Người Việt đến xã Nghĩa Đồng đầu tiên là họ Phan và họ Trần, sau đó là họ Vũ và họ Nguyễn.

Cuối thế kỷ XIX, Tri Lễ chia làm 3 xã (nói là 3 xã nhưng nhất xã nhất thôn) là: Tri Lễ, Tri Chỉ và Yên Hoà. Tri Chỉ do lề cũ có tên nôm là làng Sẻ. Yên Hoà tức Phượng Vỹ cũ có tên nôm là làng Ga. Xã Tri Lễ có các thôn Phương Liên Thôn tức là làng Sen, Xuân Đoài thôn tức làng Mái sau đổi là Xuân Liên, Mai Lĩnh thôn tức Cồn Mối và Khe Thần.

Nằm trong tổng Cự Lâm, huyện Nghĩa Đàn duyên cách hành chính như trên của Tri Lễ ổn định mãi cho đến cách mạng tháng Tám.

Làng Sen xưa cũng giống như các làng xã lâu đời có đời sống tinh thần phong phú. Về tôn giáo có chùa Am thờ Phật và thần sông núi. Trong xã có 5 ngôi đền lớn; đền chính thờ Cao Sơn, Cao Các, đền Đệ Nhị thờ bản cảnh Thành Hoàng, đền Đệ Tam thờ song đồng Ngọc nữ, đền Đệ Tứ thờ hai anh em họ Phan có công dẹp giặc “Đỏ Mũi” ở Quỳ Châu, anh được phong là Đô Công Đạo Đức, em được phong là Vu Bá Đại Sơn, đền Đệ Ngũ thờ Bạch Y Công Chúa (các đền thờ trên nay không còn nữa). Tri Lễ chỉ còn lại một ngôi đình lớn gọi là đình Sen.

Tri Lễ, Tri Chỉ nói riêng và tổng Cự Lâm nói chung là một địa phương có truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc. Sau khi thực dân Pháp đến xâm lược nước ta, hưởng ứng Chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi, nhân dân các dân tộc vùng T©n Kỳ, Nghĩa Đàn đã tích cực tham gia các phong trào chống Pháp. Ở Tri Lễ, Tân Kỳ tiêu biểu có ông Trần Duy Hoạch (tức Quản Hoạch), Nhiêu Lưu… đã quyên tiền sắm sửa vũ khí, lương thực để ứng nghĩa Cần Vương. Hai xứ Đồng Thường Nghi Hạ Nghi và Đình Sen là nơi hội họp tập luyện chiến đấu của nghĩa binh. Khi phong trào Cần Vương ở Bắc Nghệ An do Nguyễn Xuân Ôn lãnh đạo nổi lên rầm rộ thì những người trên đem toàn bộ nghĩa binh của mình tham gia. Nhân dân làng Sen, làng Sẻ còn tiếp tục góp tiền, gạo tiếp tế cho nghĩa binh và bảo vệ các văn thân sỹ phu.

Năm 1930 – 1931, làn sóng đấu tranh của công nhân Vinh- Bến Thủy và nhân dân khắp nơi ở Nghệ Tĩnh đã dội vào các đồn điền ở Tân Kỳ. Công nhân ở Vực Rồng, Đào Nguyên và Vực Lồ (Tân Kỳ) đã ngấm ngầm tập trung bàn chuyện cộng sản, chuyện “xã hội”, chuyện ruộng đất, chuyện đấu tranh. Làng Sen, làng Sẻ (Nghĩa Đồng) cũng đã rạo rực trước “làn sóng đỏ” từ các huyện miền xuôi dội về. Để che mắt bọn chức sắc trong làng, bà con nông dân thường tập trung tại Đình Sen lấy cớ bàn chuyện của làng nhằm nói về đấu tranh của nhân dân Thanh Chương, Nam Đàn, Đô Lương, Diễn Châu, Yên Thành… kéo lên huyện lỵ đòi giảm sưu, hoãn thuế, đòi chia ruộng đất công cho dân nghèo. Tin thực dân Pháp đem máy bay thả bom đàn áp nông dân biểu tình ở Hưng Nguyên làm cho bà con Nghĩa Đồng thêm căm thù và phẫn nộ.

Cuối năm 1930 đầu năm 1931, phong trào Xô Viết ở các huyện miền xuôi bị thực dân Pháp khủng bố dữ dội. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Nghệ An đã đưa cán bộ đảng viên, quần chúng cách mạng đang bị địch truy lùng bí mật lên Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Môn Sơn (Con Cuông) dưới nhiều hình thức khác nhau. Tại tổng Cự Lâm có Nguyễn Công Hòe dạy học ở làng Tri Chỉ vốn là người yêu nước, ông về huyện Diễn Châu tìm cách bắt mối liên lạc. Sau đó, Phan Đình Lại và Phan Đình Liên cũng được các đồng chí cách mạng tìm đến giác ngộ. Đó là cơ sở để Chi bộ Đảng của tổng Cự Lâm ra đời sớm.

Tháng 2/1931, Huyện ủy Nghĩa Đàn được thành lập. Sau đó, ở làng Yên Hòa (Nghĩa Bình), Tri Lễ, Tri Chỉ (Nghĩa Đồng) có chi bộ Đảng gồm các đảng viên người miền xuôi và một số cán bộ cốt cán trong xã như: Vũ Văn Xuân, Nguyễn Trọng Tiềm, ông Lĩnh, ông Huệ, ông Trọng, bà Lạc, ông Chơng, Trần Cởn, ông Thuận, bà Lễ….

Cuối tháng 2/1931, đồng chí Vương Thúc Xuân, cán bộ của Tỉnh ủy Nghệ An mở cuộc họp tại nhà ông Vi Văn Cả ở Khe Thần xã Tri Lễ bàn việc thành lập Ban lãnh đạo chung cho các Chi bộ Đảng ở Tân Kỳ. Hội nghị bầu ra Ban lãnh đạo gồm 5 đồng chí: Vương Thúc Xuân, Nguyễn Linh, Lê Thạch, Nguyễn Công Hòe và đồng chí Chung. Hội nghị thông qua chủ trương lớn là phát động một phong trào đấu tranh trong toàn huyện chống lại ách áp bức bóc lột của bọn đế quốc phong kiến. Đồng thời phối hợp và hưởng ứng cuộc đấu tranh chống âm mưu phát “thẻ quy thuận” của địch ở các huyện miền xuôi, Huyện ủy còn chủ trương vận động vay lúa của nhà giàu giúp đỡ người nghèo, quyên góp cứu trợ các đảng viên, các gia đình bị địch khủng bố phải chuyển lên Tân Kỳ sinh sống.

Sau khi Huyện ủy Lâm thời thành lập, cơ sở Đảng ở Tri Lễ ngày càng được củng cố.

Chi bộ Đảng đã chọn Đình Sen làm nơi trung tâm liên lạc hội họp, in ấn tài liệu của Đảng. Đêm đêm, trong ngôi đình Sen, dưới ánh đèn dầu lạc, bằng những dụng cụ đơn sơ, hàng trăm tờ truyền đơn được in ra và chuyển đi phân phát cho toàn tổng và các địa phương để vạch trần tội ác kẻ thù, kêu gọi nhân dân đấu tranh. Tổ chức Nông hội đỏ ra đời gồm các đồng chí: Trịnh Hữu Lạc, Nguyễn Trọng Chuyên, Nguyễn Trọng Khôi, Nguyễn Viết Lĩnh, Đào Trọng, hoạt động hầu như công khai, thu hút gần 80% nhân dân tham gia…. Nông hội đỏ đã chọn Đình Sen làm nơi hội họp trao đổi những công việc khi cần thiết.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân xã Tri Lễ đã tổ chức nhiều cuộc mít tinh, diễn thuyết tại Đình Sen. Trước sức mạnh của quần chúng, bộ máy hào lý ở các thôn xã tuy không tan rã hoàn toàn nhưng phần lớn đã phục tùng cán bộ cách mạng. Một số quyền lực đã thuộc về nhân dân. Nhiều nơi đã tổ chức cho bà con học chữ quốc ngữ, vận động bỏ vàng mã, chống mê tín dị đoan, giảm đình đám tế tự, vay lúa của nhà giàu cứu đói cho dân, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau….

Tháng 5/1931, hơn 300 quần chúng nhân dân các làng, có cả người Kinh và đồng bào các dân tộc Thái, Thổ tập trung tại Đình Sen kéo đến làng Sẻ đấu tranh. Hào lý làng Sẻ đã huy động tuần binh cầm giáo mác ra đóng chặt cổng làng. Trước tình hình đó, cán bộ chỉ huy quyết định kéo đoàn biểu tình đi hò reo, thị uy đồng thời giải thích cho nhân dân làng Sẻ hiểu rồi giải tán. Trong lúc đó, tên Phó lệ đã lén lút lên huyện báo cáo và yêu cầu đưa lính về đàn áp. Sáng hôm sau, hàng chục lính về làng cùng hào lý truy nã. Số cán bộ miền xuôi lên hoạt động phải rút lui vào Khê Thần ẩn náu. Số còn lại bị bắt hoặc bị quản chế theo dõi gắt gao.

Tháng 6/1931, Huyện ủy tổ chức cuộc “khuyếch Đại hội nghị” tại Cồn Mối để rút kinh nghiệm. Sau đó các đồng chí lại về Khê Thần trao đổi kế hoạch đấu tranh tiếp theo. Huyện ủy đang họp thì tên Chánh Trự đi báo với quan huyện. Khe Thần bị lính về bao vây, chúng bắt được đồng chí Nguyễn Linh, Lê Thạch, Lê Nguyệt và một số quần chúng. Sau vụ khủng bố này, phong trào cách mạng gặp nhiều khó khăn.

Ngày 13-7-1931 (tức ngày 28/5 năm Tân Vị) đúng phiên chợ Sen đang đông người, địch ra lệnh xử bắn 3 đồng chí: Nguyễn Linh, Lê Thạch, Lê Nguyệt hòng uy hiếp tinh thần nhân dân. Không nao núng trước hành động dã man của địch, ngay trước lúc bị bắn 3 đồng chí đã hô to khẩu hiệu:

                              "Đả đảo Đế quốc Pháp Nam Triều phong kiến chế độ!
                                     Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! "

 

Kẻ địch theo dõi ráo riết nhân dân làng Sen. Những người bị tình nghi đều bị bắt đưa lên huyện giam cầm, tra tấn rất dã man. Đồng chí Nguyễn Công Hòe bị kết án tù 3 năm và đưa về giam ở nhà lao Vinh giam, sau đó chúng đã bí mật thủ tiêu đồng chí trong tù. Cơ quan Huyện ủy rút vào rừng núi được một thời gian gắn thì mất liên lạc, phong trào tạm lắng xuống.

Giữa năm 1934, theo sự phân công của Tỉnh ủy Nghệ An, đồng chí Võ Nguyên Hiến về Nghĩa Đàn chỉ đạo thành lập lại Huyện ủy. Cuộc họp tổ chức ở Thọ Lộc bầu ra Ban chấp hành mới có 05 đồng chí: Phan Đình Lại, Nguyễn Đình Trạc, Lai Văn Bút, Trần Mật, Võ Thược, do Phan Đình Lại phụ trách chung. Tháng 9- 1934, Huyện ủy Nghĩa Đàn tổ chức rải truyền đơn để kỷ niệm ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh. Giữa năm 1935, đồng chí Phan Đình Lại được bầu làm Bí thư Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn ( Tân Kỳ). Hai chi bộ được xây dựng là chi bộ Tri Chỉ (Làng Sẻ) và chi bộ Tri Lễ (Làng Sen) gồm có 3 đồng chí: Nguyễn Trọng Thuyên làm Bí thư, Nguyễn Sỹ Khang và Võ Duy Đình. Các chi bộ đã có từ trước lúc này cũng phát triển thêm được một số đảng viên. Đảng bộ Tân Kỳ được phục hồi và có khả năng lãnh đạo phong trào cách mạng trong toàn huyện thời kỳ: 1936- 1939, 1939- 1945.

Năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Khởi nghĩa huyện, hàng ngàn quần chúng thuộc tổng Cự Lâm tập trung tại đình Sen, đình Sẻ mít tinh, sau đó rầm rập kéo về huyện lỵ cướp chính quyền.

Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đình Sen là nơi diễn ra lễ tiễn đưa hàng trăm con em lên đường đánh giặc cứu nước. Các đơn vị về đóng quân ở làng đều chọn Đình Sen làm nơi sinh hoạt tư tưởng văn hoá văn nghệ.

Đình Sen là nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân xã Nghĩa Đồng. Các lễ hội được tổ chức vào đầu năm: ngày 7 tháng Giêng là lễ Khai Hạ, 3 năm một lần là lễ Kỳ Phúc vào Rằm tháng 2 Âm lịch. Lễ đại rước lớn từ đền Chính về đình Sen diễn ra rất long trọng. Ngoài phần lễ, nhân dân còn tổ chức nhiều trò chơi truyền thống như: đánh vật, đánh cờ người, chơi cù, trò tổ tôm, điểm, hát tuồng, hát nhả tơ… 

Đình Sen là một ngôi đình lớn nhất so với các di tích ven sông Hiếu với diện tích trên 2 ha ở phía Nam của làng. Đình được xây dựng trên bãi đất bằng phẳng giữa quang cảnh làng quê trù phú, bao quanh đình là dòng sông Con hữu tình. Vẻ đẹp cổ kính của đình càng được tôn lên bởi những nét kiến trúc độc đáo và nhiều cây cổ thụ.

Cổng đi vào đình được xây bằng 2 cột nanh cao 5m, trên cùng đắp hình 2 con hổ chầu ngoảnh mặt lại với nhau. Hai bên cổng có 2 vị tướng cầm kiếm đứng ngác. Hai bên cánh gà cột nanh có 2 con hổ chầu.

Đình gồm 5 gian 2 hồi văn. Trên đỉnh nóc đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt theo thể thức đăng đối. Ở 4 đầu dao cong vút đắp nổi hình 4 con nghê chầu. toàn bộ mái đình lợp ngói vảy (âm dương loại khổ lớn). Đình cao 6,1m; dài 19,4m; rộng 9,8m. Tất cả gỗ dùng làm đình bằng gỗ lim. Đình có 24 cột, cột lớn cao 5,2m; đường kính cột 1,3m, mỗi cột kê trên đá tảng được tu tạo theo khối vuông đường kính 0,45m x 0,45m; cột quân cao 3,95m; đường kính 1,1m.

Trong đình có các văng xà, hạ, vì kèo, kẻ đều chạm lộng cực kỳ tinh xảo. Đình thờ dọc để trống thềm đi 4 phía. Gian giữa tế lễ hai bên hai dãy câu lơn (bàn tam cấp) để dân làng ngồi, có 2 con hạc đứng trên 2 con rùa đá cao đến tận văng và hai con ngựa ở hai bên tả hữu.

Trong đình hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật quí như: đồ tế khí, hương án, gươm giáo, cờ quạt, tán lọng, siêu đao, phủ viết, kiệu song loan, hạc..cùng những hiện vật dùng cất dấu tài liệu và nuôi dưỡng cán bộ Đảng ở Nghĩa Đồng năm 1931 như: hộp, quả, tráp sơn đen, bát, đĩa, mâm đồng…

Đình Sen không những là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng dân cư mà còn là di tích gắn với phong trào Văn Thân- Cần Vương; nơi hội họp, in ấn, cất dấu tài liệu của Đảng; nơi tập trung nhân dân đi đấu tranh trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Với ý nghĩa đó, Đình Sen được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Tỉnh.

  Nguồn (Bảo Tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh)

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây