Trải qua 76 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Cục Dân quân tự vệ đã và đang hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược đầu ngành giúp Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác dân quân tự vệ và giáo dục quốc phòng, an ninh, công tác quốc phòng ở các bộ, ngành Trung ương, địa phương; góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Lịch sử tên gọi cục Dân quân tự vệ:
Ngày 12/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 16/SL thành lập Phòng Dân quân toàn quốc, trực thuộc Cục Chính trị (nay là TCCT). Ngày 22/7/1947, Bộ Tổng chỉ huy thành lập, đồng thời ra Nghị định số 67/TCH chuyển Phòng Dân quân toàn quốc từ Cục Chính trị về trực thuộc Bộ Tổng chỉ huy.
Ngày 25/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 119/SL phát triển Phòng Dân quân toàn quốc thành Cục Dân quân. Ngày 11/7/1950, Chủ tịch nước ra Sắc lệnh số 121/SL chuyển Cục Dân quân từ Bộ Tổng tư lệnh về Bộ Tổng Tham mưu.
Ngày 24/5/1956, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 27/QP đổi tên Cục Dân quân thành Cục Động viên và Dân quân.
Ngày 28/5/1964, Bộ Quốc phòng quyết định sáp nhập Cục Phòng không nhân dân vào Cục Động viên và Dân quân. Tháng 6/1965, Bộ Tổng Tham mưu quyết định chuyển Phòng Động viên và tuyển quân sang Cục Quân lực; Cục Động viên và Dân quân đổi tên thành Cục Dân quân.
Ngày 17/4/1975, Bộ Tổng Tham mưu ra quyết định chuyển Phòng Động viên và tuyển quân từ Cục Quân lực về Cục Dân quân; đổi tên Cục Dân quân thành Cục Động viên và Dân quân.
Ngày 23/11/1978, Bộ Tổng Tham mưu điều Phòng Động viên - tuyển quân về Cục Quân lực. Ngày 7/3/1979, Bộ Quốc phòng quyết định đổi tên Cục Động viên và dân quân thành Cục Quân sự địa phương.
Ngày 29/4/1980, Bộ Quốc phòng quyết định đổi tên Cục Quân sự địa phương thành Cục Dân quân tự vệ.
Tên gọi Cục Dân quân tự vệ giữ nguyên cho đến nay.
2. 88 năm ngày truyền thống lực lượng Dân quân tự vệ Việt Nam (28/3/1935 - 28/3/2023)
Cách đây 88 năm, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất diễn ra tại Ma Cao (Trung Quốc) đã ra “Nghị quyết về Đội tự vệ”. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đảng về tổ chức, chỉ đạo xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng tự vệ. Kể từ đó, ngày 28/3 trở thành ngày truyền thống của lực lượng Dân quân tự vệ Việt Nam. Nghị quyết về Đội tự vệ là khởi đầu của tư tưởng vũ trang toàn dân và tư tưởng chiến tranh nhân dân với phong trào toàn dân đánh giặc. Ngay sau khi có nghị quyết của Đảng, các đội tự vệ công nông mang tính chất là những tổ chức vũ trang quần chúng ra đời; đây là tiền thân của các đội Cứu quốc quân, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân sau này.
Trải qua quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ đã hết lòng trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, chiến đấu kiên cường, mưu trí, dũng cảm; lao động, học tập, công tác hiệu quả, sáng tạo và đã lập nhiều chiến công to lớn; có 366 tập thể và 275 cá nhân thuộc lực lượng dân quân tự vệ đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Dân quân tự vệ Việt Nam xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là bức tường sắt của Tổ quốc, vô luận kẻ địch hung bạo thế nào hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã”./.
Những tin cũ hơn